Dưới chân núi Sộp

- Giữa lúc trời mưa đang to, sao lại có tiếng trẻ ọc ạch ở nhà mình. Chị bủn rủn khi phát hiện đứa trẻ đang nằm thoi thóp ở cái gian để thuốc nam nhà mình. Chị thốt lên, “chết thôi, có đứa nào độc ác hơn không, sao lại bỏ con thế này”. Chị ôm đứa trẻ vào lòng nựng nựng, “đừng sợ, đừng sợ, mẹ sẽ nuôi con”. Đứa trẻ mới chừng 5 ngày tuổi, da dẻ tươi sắc hơn khi có hơi ấm tình người lan tỏa.

Minh họa: Cảnh Trực

Mấy đứa con lớn nhà chị thích thú lắm khi có thêm em bé. Chị đặt tên đứa trẻ là Út, cả mấy đứa con chị cũng thích cái tên Út. Chị bận bịu cả ngày, có hôm thức trắng đêm vì con bé Út sốt. Sáng sớm dậy, mấy đứa con cũng dậy theo, giúp mẹ sắp thuốc cho bệnh nhân. Chị chỉ bán thuốc khi người bệnh đó còn khả năng chữa trị, không bán để kiếm tiền. Nhiều loại bệnh được chị chữa khỏi “tiệt nọc”, nhất là về gan nên tiếng lành đồn xa, thiên hạ còn đồn chị chữa được cả ung thư, bệnh nhân ung thư đến chị cầu cứu nhưng chị không nhận chữa dẫu họ có bảo hết bao tiền cũng trả...

Tiền thì ai chả thích, như trong hoàn cảnh của chị đây, chồng bị bệnh trọng, đàn con nheo nhóc, nhưng không nhẽ vì hoàn cảnh mà lấy tiền của bệnh nhân bằng mọi giá. Chị cũng trong hoàn cảnh có người thân bị bệnh hiểm nghèo nên chị hiểu sự lo lắng đến hoảng sợ của những người bị bệnh ung thư và người nhà của họ. Chị bảo, các bác đến với em là đáng quý lắm, nhưng bệnh hiểm nghèo phải đi viện, không thể chữa bằng cây thuốc được đâu. Ông lang, bà  nào tuyên bố chữa được ung thư, tai biến là sự hồ đồ quá. Phải đi bệnh viện để bác sỹ có phác đồ điều trị hiệu quả nhất. Ngày xưa, ai mắc bệnh ung thư coi như lĩnh “án tử” rồi nhưng nay khoa học kỹ thuật tiến bộ, nhiều loại ung thư đã được giải quyết tốt. Vậy các bác đừng đến tìm gặp em khi mắc bệnh ung thư hay tai biến nữa nhé, đi ngay bệnh viện... như chồng em kia kìa, phải đi bệnh biện rồi bác sỹ cho thuốc về điều trị.

Cuộc sống trôi đi dưới chân núi Sộp. Bé Út và các chị hồn nhiên như sông, như suối lớn lên, tình thương yêu cho nhau hòa vào như dòng suối kia nên Út chả khi nào nghĩ mình là con nuôi của mẹ. Cho đến khi bệnh của nguời cha thuyên giảm, Út cảm nhận điều gì đó rất lạ qua từng cử chỉ của cha với anh, chị và mình. Mẹ Út bảo, bố chưa khỏi hẳn nên có lúc nhận thức còn hồ đồ con ạ. Động viên con đấy nhưng trong lòng chị quặn đau khi chồng nghi trong lúc ốm nặng, chị đi “đánh quặng” đứa con, sinh ra ghen tuông.  Nhưng chị vẫn hiền dịu như dòng nước suối lúc thu về, chị khóc nhiều, nước mắt trôi vào dòng nước có thấm tháp gì đâu.

Các anh chị đến tuổi lập gia đình, ra ở riêng cả, chỉ còn Út ở với bố mẹ. Chị bảo, Út lấy chồng đi còn chăm lo cho bố mẹ về già. Như hiểu chuyện hơn, chồng chị yêu thương Út rồi, ông góp chuyện, “đúng rồi, bố mẹ đã già, giờ tựa vào con thôi, các anh chị mỗi đứa một phận”. Đôi mắt Út long lanh nhìn ra dòng suối Sộp vẫn đang miệt mài chảy qua bao tháng năm...

Trịnh Thành Công

Tin cùng chuyên mục